Thursday, 26 December 2013

Cuộc tình dài rộng quá đôi khi lại rất buồn

Tôi thích màu đen, có khi đó chỉ là một cái áo 300 nghìn một chục ở chợ Tân Bình. Đôi khi tôi lại xa hoa ngồi trong những quán cà phê sang trọng nhất nhì thành phố chỉ để học bài cả ngày… Và tôi cũng có một mối tình đầu thời đại học của mình đầy lộn xộn.

Người ta bảo tình đầu như đi trên cát, bước nhẹ mà sâu. Tôi quen cô bạn học cùng khóa trong trường. Cô ấy cao hơn tôi hẳn một cái đầu. Con gái mà, cô ấy cũng thích được đưa đón đi học, chỉ tại tôi chẳng có xe. Cô ấy cũng thích được chiều chuộng, được tặng quà… Tóm lại cô ấy có tất cả những “nữ tính” hoàn hảo của các cô gái khác. Nhưng mà, tôi lại không đáp ứng được những thói quen đơn giản như vậy.

Tôi thích quan sát cô ấy từ xa, thích đi ăn mọi người tiền chia đều (không phải tôi quá ki bo). Tôi thích tặng cô ấy những thứ thực dụng nhưng không phải là hoa. Đôi khi cái sự “thích” của tôi lại làm phiền lòng cho mối tình đầu của mình. Kết quả sau một thời gian yêu nhau chúng tôi chia tay. Điều tôi nghĩ trước giờ mình luôn đúng.

Ôi! Tình yêu....
Tôi nằm trong một góc phòng trọ, ngoài trời là ánh nắng chói chang sau cơn mưa bất chợt của Sài Gòn. Trong góc tôi nằm vẫn còn u ám nỗi buồn mới chia tay mối tình đầu của mình. Hai mắt tôi đang nhắm tít như cố ngủ để nguôi ngoai nỗi buồn. Phải. Tôi không quên được tình đầu của mình cho dù cố tỏ ra mạnh mẽ. Thì thôi.

Tôi nghĩ về quá khứ, về cuộc tình của mình. Tất cả sao bỗng trôi qua nhanh quá, cứ như người tình của tôi mới còn vừa ở đó vậy, giờ đã rất xa rất xa rồi. Kể từ sau chia tay tôi đã ước mình được khóc trước mặt ai đó một trận cho thật đã, cho thật thỏa lòng. Kết quả là tôi đã khóc một mình giữa sân trường đại học. Cuộc tình đầu mở màn cho thời sinh viên của tôi qua đi sao chóng vánh quá. Tôi đã khóc như một đứa con nít. Lúc ấy tôi tâm niệm dù mình là đàn ông nhưng hãy cứ khóc, khóc hết ra cho nhẹ lòng. 
Tôi 1 thời trẻ dại, cũng biết nhắm mắt và nghĩ suy về đời ^^
Nhưng tình đầu đâu dễ quên. Tôi thu mình lại không nói chuyện với ai như thể nhìn lại xem mình đã sai gì. Có anh bạn cùng phòng, tôi lôi ra tâm sự hết từ đầu đến cuối cho nhẹ lòng. Ấy vậy mà tôi vẫn buồn. Tôi suốt ngày chỉ làm bạn với Facebook để xem cô bạn gái vừa chia tay của tôi giờ đang làm gì?, đã có bạn trai mới chưa? Bao nhiêu câu hỏi cứ quấn lấy tôi, càng lúc chúng càng xoáy sâu vào nỗi buồn của tôi. 

Rồi cho đến một ngày tôi nhủ là mình phải làm lại từ đầu. Cuộc sống tự lập một mình đã cho tôi thêm bản lĩnh để kéo tôi đứng dậy. Vì tôi biết đó không phải là chuyện buồn nhất tôi gặp phải. Và cũng cảm ơn cô ấy đã buông tay tôi để tôi biết còn một người khác đang chờ tôi, đợi tôi. Biết đâu cuộc tình dài quá đôi khi lại rất buồn! Như lời một bài hát nào đó mà tôi từng nghe.......

DUY MINH

Saturday, 23 November 2013

120 triệu trao vốn xây dựng nông thôn mới

Sáng ngày 25/9/2012, tại UBND xã Phú Điền, huyện Tân Phú, Đồng Nai, Tỉnh Đoàn Đồng Nai đã trao vốn hỗ trợ cho 7 đoàn viên thanh niên của xã để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tổng số vốn cho vay là 120 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng, không tính lãi.

Đây là nguồn vốn lấy từ quỹ “Đồng hành với thanh niên” tỉnh Đồng Nai. Có 3 dự án được hỗ trợ vay vốn gồm: Nuôi ếch, Nuôi cá kết hợp trồng sen, Đồ mộc gia dụng.

Hoạt động hỗ trợ vốn kinh doanh cũng nằm trong mục tiêu thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” của tỉnh Đồng Nai. Vào tháng 3 trước đó Quỹ đã trao 100 triệu đồng cho 5 thanh niên ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Anh Ngô Nghĩ Tình (trái) cùng anh Nguyễn Phú Quốc đang cho cá ăn tại trang trại cùng hợp tác kinh doanh ở ấp 2, xã Phú Điền, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Trang trại rộng khoảng 5 hecta được áp dụng mô hình VAC, hiện nuôi khoảng 500 con gà, 10000 con ếch, 24000 cá chép và kết hợp trồng sen dưới ao.

Các đoàn viên thanh niên ký cam kết sẽ sử dụng số vốn hiệu quả, đúng mục đích.

Anh Nguyễn Phú Quốc, một đoàn viên thanh niên được vay vốn trong đợt này, cho biết: “Khi nhận được vốn mình cảm thấy thoải mái hơn để tiếp tục đầu tư kinh doanh. Nếu vay ngân hàng, với số tiền lãi mỗi tháng thì có thể dùng để làm được rất nhiều thứ khác. Bây giờ thì không còn phải lo nữa.”

Đồi Bằng Lăng – vùng quê chưa thức giấc

Chỉ cách trung tâm xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai khoảng 16km nhưng hơn 20 năm qua, những người dân sống trên Đồi Bằng Lăng phải sạc từng kí điện, trữ vào bình để sử dụng dần.

Hộ khẩu, đường, trạm… đều không
Nằm trong vùng đất thuộc vành đai Trường bắn quốc gia khu vực 3 (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đồi Bằng Lăng gần như trở thành một nơi bị lãng quên bởi chính những cái “không” mà hơn 20 năm người dân nơi đây “được hưởng”: không đường, không điện, không trạm y tế, không hộ khẩu, không sổ đất…

Đến đồi Bằng Lăng vào những ngày mưa, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tầm 13-14 tuổi cắp sách đến trường với quần áo lấm lem bùn đất, đôi dép nhựa đã vàng ố vì lâu ngày bùn đất bết vào. Hỏi ra mới biết các em chỉ mới học lớp 3, lớp 4.

Hơn 20 năm, những đứa trẻ, những người cha người mẹ nơi này luôn mong mỏi có được ngôi trường để các em đi học được gần hơn. Trời không phụ lòng người, cuối năm 2010, một ngôi trường tiểu học khang trang với 2 lớp học và 1 phòng tạm trú cho ba Thầy giáo đã được xã Xuân Tâm xây dựng tại Bằng Lăng.
Cơn bão số 1 (tháng 4-2012) đã làm bay phần mái ngôi trường. Các thầy giáo cùng người dân phải dựng tạm lán để dạy học cho các em - Ảnh: Nguyễn Quang Bình 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thòn A Sìn, một phụ huynh học sinh tâm sự: “Trước đây, khi chưa có trường, chúng tui phải cho các cháu học với một Thầy giáo làng. Tới khi Nhà nước xây cho trường mới, tui và bà con nơi đây ai cũng mừng hết! Mừng vì các cháu không phải đi học xa, mừng vì ngôi trường khang trang, các Thầy tận tâm nên con trai tui học khá hẳn lên”. Ông Sìn còn kể thêm “hôm qua thằng con tui nó trốn học đi chơi một ngày, tui phải nghỉ làm để đi tìm nó về cho nó học. Không học hành thì tương lai nó sẽ chỉ quẩn quanh trên ngọn đồi Bằng Lăng này mà không đi đâu được”.

Ngôi trường được xây dựng lên cũng chính là một mầm sống mới cho đồi Bằng Lăng. Tháng 4-2012, cơn bão số 1 đi qua đã lấy đi phần mái lợp của trường, ba thầy giáo trẻ phải dựng lán để dạy tạm cho các em trong những ngày mưa bão, chờ đợi ngày trường được sửa chữa.

Người dân Bằng Lăng cho biết, ngọn đồi này thuộc vào đất của Trường bắn Quốc gia Khu vực III, chưa được chính thức sáp nhập vào xã Xuân Tâm (Xuân Lộc, Đồng Nai) nên người dân ở đây chưa được cấp hộ khẩu thường trú, chưa được cấp sổ đỏ đất đai, trẻ em chưa được làm giấy chứng minh nhân dân (CMND) để đi học. Ông Võ Văn Sen, đến Bằng Lăng làm rẫy đã hơn 20 năm, tâm sự nhà ông có đứa con gái năm nay đã lên lớp 7, nhưng do gia đình ông không còn hộ khẩu gốc ở quê cũ như người ta nên ông đang lo con gái ông sẽ không được cấp giấy CMND, và cũng không được học lên cấp 3. “Năm nào nó cũng có giấy khen, được khen thưởng học sinh giỏi, nhưng tui lo nó sẽ không được học lên cao. Nhà có điều kiện cho nó đi học nhưng cũng đành bó tay vì nhà trường yêu cầu phải có sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác”, ông Sen nói.
Chưa được xây dựng đường xá đàng hoàng, con đường vào Bằng Lăng chỉ là một đường mòn quanh co chạy dọc theo sườn đồi do người dân tự phát cỏ mà thành. Trời nắng thì còn đi được, trời mưa xuống là bùn đất nhão nhoét, trơn trợt, người mới đến Bằng Lăng không thể di chuyển được.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, một người dân định cư ở đây đã trên 10 năm, nói trước đây chưa có đường chạy xe, hình ảnh những người cha cõng con trên lưng lội bộ hàng mấy cây số đường đèo để đưa con đến trường là chuyện bình thường ở đồi Bằng Lăng này.

Thầy giáo Nguyễn Quang Bình (quê Nghệ An) cho biết, để di chuyển trong đồi Bằng Lăng bằng xe máy phải chuẩn bị đầy đủ xăng và dụng cụ sửa xe. Thầy kể, có hôm, trên đường đi dạy về, xe bị đứt xích, một thầy đã phải dắt xe hơn 3 tiếng đồng hồ đường đèo để đến được chỗ sửa xe.

Ngoài trời sáng hơn trong nhà
Chúng tôi đặt chân đến Bằng Lăng khi trời đã chập choạng tối. Ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ những gian nhà mà vách được dựng bằng những tấm tôn, tấm liếp được tận dụng từ liếp phơi thuốc lá.

“Trước đây khó khăn, Đồi Bằng Lăng ai cũng dùng đèn dầu. Vài năm gần đây, điều kiện kinh tế khá hơn, người dân dùng bình ăc quy để thắp sáng. Nhà nào khá hơn thì có máy phát điện, nhưng nhà nào cũng còn cái đèn dầu để dự trữ mỗi khi bình hết điện”, ông Sen cho biết.
Gia đình anh Giường Lục Mùi, người dân sống trên đồi Bằng Lăng đã hơn 10 năm trò chuyện quây quần dưới ánh đèn neon từ bình ăc quy - Ảnh: DUY MINH 

Thầy giáo Nguyễn Quang Bình kể lại: “Đêm đầu tiên đến đây tôi đã bật khóc. Tôi không ngờ là còn có một nơi chỉ cách trung tâm xã không bao xa mà lại chưa có điện, chưa có con đường đàng hoàng để đi, thậm chí không có cả trạm y tế để khám chữa bệnh. Nhìn cảnh các em học sinh bao nhiêu năm nay phải học tập dưới điều kiện khó khăn không trường, không điện, tôi thương các em lắm!”. Không thể sạc điện thoại, laptop, ánh sáng đèn neon dùng bình ăc quy không đủ sáng để soạn giáo án, cuối tuần nào các thầy giáo cũng đi mấy chục cây số ra xã chỉ để soạn giáo án và tìm kiếm thông tin, đọc báo.

Dòng điện chạy bằng bình ắc quy 12V chỉ đủ thắp bóng đèn neon 3 tấc. Thú giải trí của người dân nơi đây chính là cái tivi trắng đen thời kỳ đầu. Đối với người dân Bằng Lăng, cái quý nhất đối với họ chính là cái bình ăc quy và cái tivi trắng đen ấy.
Chưa có đường dây điện, bình ắc quy và chiếc tivi trắng đen trở thành thứ quý giá nhất với người dân trên đồi Bằng Lăng - Ảnh: NHƯ HÀ 

Ông Hoàng Thím Vò, vốn là người Tày vào Bằng Lăng sinh sống đã hơn 20 năm. Ở cái tuổi 64, mắt đã kèm nhèm không nhìn rõ được nhưng lúc nào ông cũng thích ngồi bên cái tivi trắng đen để nghe thời sự, nghe chương trình truyền hình, đặc biệt là nhạc của người Tày. Gia đình ông cho biết, từ hôm cơn bão số 1 (đầu tháng 4-2012) làm gãy cái ăng-ten, ông ngồi buồn vì không còn nghe được thời sự và chương trình tivi. Đứa con trai thấy vậy mua cho chiếc đầu đĩa và mấy cái đĩa nhạc Tày, những tiếng nhạc quê hương lại trở thành thú vui của ông và gia đình sau mỗi bữa cơm chiều. Ông Vò nói không rõ tiếng Việt, vừa háo hức khoe chiếc ti vi đã cũ mèm, vừa mở nhạc cho chúng tôi nghe thử “Cái ti vi này lâu lắm rồi! May là cái tivi nhà tui chưa bị hư nên vẫn còn nghe được, nhiều nhà tivi hư là xem như bỏ vì không có phụ tùng thay thế, đem ra thợ sửa người ta cũng lắc đầu không chịu sửa.”. Ông còn nói “Nếu ai mua dù giá cao tui cũng không bán!”.
Ông Hoàng Thím Vò bên chiếc tivi trắng đen đã cũ của mình - Ảnh: DUY MINH 

Luôn phải ngồi học trong ánh đèn yếu ớt, không đủ ánh sáng, những đứa trẻ nơi đây vẫn ngày ngày cặm cụi tới trường. Nói về niềm ao ước của mình, cậu bé Phạm Bằng Soi trả lời với đôi mắt nhìn xa xăm “Con chỉ ước nếu trúng được 1 tờ vé số, con sẽ xây nhà ra nơi có điện sáng hơn”. Chị Thấy, mẹ của Soi tâm sự: “Những đêm trăng sáng như thế này, ngoài trời còn sáng hơn cả trong nhà nữa! Tui là người lớn thì thế nào cũng được, chứ mấy đứa nhỏ còn cả tương lai. Không lẽ cứ để tụi nó sống tăm tối thế này mãi!”.
Thiếu thốn, khó khăn là thế, nhưng tiếng cười trên đồi Bằng Lăng vẫn chưa bao giờ tắt để chờ đợi một ngày vùng quê thức giấc.

Ông Đỗ Thế Thọ, chủ tịch UBND xã Xuân Tâm cho biết: “Trước đây đồi Bằng Lăng thuộc vào vành đai Trường bắn quốc gia khu vực III của Bộ Quốc Phòng. Hiện tại chỉ mới cắm một số ranh mốc bàn giao cho địa phương quản lý một số diện tích chứ chưa được xem là đất của xã Xuân Tâm quản lý. Do đó công tác xây dựng, quy hoạch khu dân cư, điện, đường, trạm xá… chưa thể thực hiện được. Người dân sinh sống ở Bằng Lăng hiện giờ chủ yếu là dân tạm trú, chưa có sổ hộ khẩu.



Năm 2011, xã Xuân Tâm đã làm việc với Trường bắn để xây dựng một ngôi trường cho con em có nơi học hành trên đồi Bằng Lăng. Về lâu dài, sau khi có quyết định phê duyệt của Chính phủ và Bộ quốc phòng về việc giao đất thuộc Bằng Lăng cho địa phương quản lý, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng hệ thống điện, đường, trạm, và làm các thủ túc giấy tờ cho người dân”.
NHƯ HÀ – DUY MINH

Đồi Bằng Lăng luôn vươn mình

Trẻ em trên Đồi Bằng Lăng (thuộc xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đi cắt lá cây cho gia súc ăn. Dù cây cao và nguy hiểm nhưng các em vẫn trèo lên cao để hái được lá non làm thức ăn ngon cho gia súc nuôi ở nhà. 

Đồi Bằng Lăng là vùng lãnh thổ chỉ nằm cách trung tâm xã hơn 10km nhưng cuộc sống của gần 400 hộ dân quanh đồi luôn thiếu thốn và dường như biệt lập với thế giới bên ngoài với 3 không: không điện, không đường, không trạm.

Nhìn hình ảnh các em bé không ngại nguy hiểm trong lao động như thấy được một hình ảnh Đồi Bằng Lăng luôn tràn đầy sức sống mãnh liệt muốn vươn mình lên vượt qua nhữnh khó khăn vẫn còn đó.

DUY MINH

Thursday, 21 November 2013

Xây phòng đọc sách từ ước mơ tuổi thơ

Vào đúng ngày khai giảng năm học mới 5/9/2012, trường tiểu học Bế Văn Đàn (thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã “khai trương” một phòng đọc sách do chính cựu học sinh của trường xây dựng, thắp sáng bao niềm vui cho các em học sinh tại vùng quê nghèo nơi núi rừng.

Chủ nhân của phòng đọc sách trị giá 3000 USD này là Nguyễn Thị Ái Vi (sinh năm 1985), cựu du học sinh của chương trình Trao đổi Sinh viên Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm học 2009-2010. Đầu tháng 5/2012, Vi được chương trình tiếp tục cho học khóa đào tạo từ xa về làm dự án.

Kết thúc khóa học, Vi bắt tay vào viết dự án mang tên “Phòng đọc sách Chắp cánh ước mơ”. Nơi đầu tiên Vi chọn để thực hiện là ngôi trường tiểu học ngày xưa từng nuôi dưỡng mình. Vi kể: “Trường mình ngày xưa còn nghèo, điều kiện để học sinh tiếp xúc với sách báo cũng hạn chế. Lúc đó, mình luôn mơ ước đến một nơi có thật nhiều sách để tha hồ mà đọc. Chính vì vậy mà mình muốn làm dự án này”.

“Phòng đọc sách Chắp cánh ước mơ” của Vi là 1 trong 8/30 dự án từ sinh viên nhiều nước được tổ chức World Learning (Hoa Kỳ) chọn để tài trợ 3000 USD. Nhận được tài trợ, Vi bắt tay vào làm dự án từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8. Trong thời gian đó Vi cũng kêu gọi bạn bè của mình trên cả nước quyên góp được gần 1000 sách. Vi cho biết cách duy trì hoạt động phòng đọc là sẽ sử dụng sách, báo quyên góp từ nhiều nguồn khác nhau.
Phòng đọc sách Chắp cánh ước mơ là căn phòng bên phải của ngôi trường nhỏ này.




Sau khi mở cửa phòng đọc, các em ùa vào và lựa những quyển sách mình yêu thích


Nguyễn Thị Ái Vi (bên phải) đang chỉ các em cách đọc sách truyện tranh theo kiểu Nhật Bản

Say mê lựa chọn trước một “rừng sách”. Sách ở đây gồm có cả sách văn học lẫn truyện tranh phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Nội dung sách đều đã được Vi và các bạn của mình kiểm tra và lựa chọn.

Cả các cô giáo cũng hào hứng với những trang sách mới

Một học sinh thích thú với quyển truyện Đôrêmon trên tay

Từ trước đến nay ít có điều kiện được đọc nhiều sách thế này nên em nào cũng “ngấu nghiến” từng quyển một

Một cậu bé say mê từng con chữ

Số tiền 3000 USD chủ yếu được Vi dùng để mua trang thiết bị,  sơn sửa lại phòng ốc. Căn phòng này trước đây bị bỏ trống và ít được sử dụng.

Sau khi phòng đọc sách được “khai trương”, Vi chia sẻ: “Thật sự mình rất vui và cảm thấy đã đáp ứng được đúng cái mà các em học sinh nơi đây cần. Nhìn thấy các em ùa vào phòng, háo hức cầm từng quyển sách trên tay như vớ được quà bánh khiến Vi nhớ lại thời bé của mình. Vi chọn cái tên Chắp cánh ước mơ cũng là vì Vi muốn chắp cánh được ước mơ của mình - thỏa khát khao đóng góp cho xã hội và chắp cánh được ước mơ của nhiều em học sinh – có một nơi để đọc sách làm bệ phóng cho tương lai mai sau.”

Vi cho biết sắp tới sẽ tiếp tục xin tài trợ và mở rộng dự án của mình về những vùng quê nghèo khác nữa trên cả nước.


DUY MINH

Wednesday, 20 November 2013

Dân miền Tây đã quen mùa nước nổi

Tại thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre mỗi khi đến mùa nước nổi (vào những ngày rằm với 30, từ tháng 9 đến tháng 12 mỗi năm) là người dân lại phải bì bỏm sống chung với những đoạn đường ngập lụt dài cả trăm mét. 

Trong địa bàn tại những con đường Công Lý, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản mỗi khi đến khoảng 5 giờ chiều lúc thủy triều lên là các con đường bỗng biến thành sông. 

Nước ở đây tràn vào từ sông Mỏ Cày. Tầm 7 giờ trở đi, khi thủy triều xuống, nước mới bắt đầu rút dần. Người dân ở đây cho biết đã quen với cảnh này của mùa nước nổi rồi vì năm nào cũng vậy cả. (Ảnh chụp tối 21/10/2013 tại chợ Mỏ Cày, đường Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre)
Che mưa tránh lụt

Người dân đi chợ về phải lội nước bì bỏm

Những con đường bỗng biến thành sông

Mẹ bồng con ra ngắm con sông mới hình thành qua nhà

Đạp xe mùa nước nổi

Đi chợ mùa nước nổi

DUY MINH

Tuesday, 19 November 2013

Hội thao xóa nhòa những nỗi đau

Có người là thương binh từng để lại một phần xương thịt ở chiến trường Campuchia, có người chịu ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, người không may bị tai nạn trong lao động, người thì bẩm sinh đã khuyết tật, nhưng tất cả họ đều hòa chung một niềm vui với thể thao.

Đó là không khí của "Hội thao người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần I, năm 2012" diễn ra tại Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Bình Phước (thị xã Đồng Xoài) trong ngày 2 và 3/8, dành cho các đối tượng là thương binh và người khuyết tật bẩm sinh (hoặc do tai nạn).

Hội thao đã thu hút 109 vận động viên, trong đó có 4 nữ, đến từ 7 huyện và 3 thị xã của tỉnh Bình Phước tham gia thi đấu các bộ môn Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Điền kinh, Đua xe lăn, xe lắc.

Nhìn những gương mặt hăng hái, những nổ lực thi đấu hết mình, những niềm vui dù thắng hay thua, những vận động viên của Hội thao đã khẳng định một tinh thần rằng họ "tàn nhưng không phế".


Tham gia tổ chức hội thao có sự phối hợp của các đơn vị thuộc tỉnh Bình Phước gồm: Sở VH, TT&DL, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo, Đài phát thanh và truyền hình.

Những ngày cận Hội thao, Thương binh Nguyễn Minh Ty (nhà ở phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài) sáng nào cũng tập luyện môn Cầu lông để chuẩn bị tham gia thi đấu. Người lính này đã để lại 2/4 chân trái của mình ở chiến trường Campuchia năm 1986.

Vận động viên Phạm Xuân Lực (đến từ huyện Đồng Phú) thi đấu môn Cầu lông. Anh bị tai nạn lao động do làm việc với máy tuốt lúa (cụt tay trái) năm 1996.

Thương binh Mai Quốc Huy (thị xã Bình Long), bị cụt chân trái năm 1985 ở mặt trận phía Bắc, thi đấu môn Cầu lông.


Anh Lê Tuấn, con của liệt sĩ Lê Khanh (hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1966) bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, liệt nửa người bên trái. Anh đã phải đi chạy thận lúc 4 giờ sáng trước khi tham gia hội thao, thi đấu môn cờ tướng lúc 8h30 ngày 2/8. Trong hình trên là vợ của anh đi cùng chăm sóc cho chồng.

 Vận động viên Trần Hoài Ngọc (huyện Bù Đăng), bị liệt chân phải (khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ), thi đấu môn bóng bàn và đã đoạt giải nhất chung cuộc toàn Hội thao.

Thí sinh nhỏ tuổi nhất của hội thao, Trần Ái Hải Sơn (14 tuổi, nhà ở huyện Bù Đốp) cùng mẹ đến thi môn cờ tướng và đạt giải khuyến khích. Em chịu ảnh hưởng bởi gia đình từng sống trong vùng chiến tranh. Hiện gia đình vẫn chưa xác định rõ bệnh tật.

Các vận động viên nữ hiếm hoi của Hội thao thi đấu môn Điền kinh.

Vận động viên Trần Thanh Bình, anh cụt tay do từng bị tai nạn giao thông, vui mừng cán đích trong môn Điền kinh.

Vận động viên Nguyễn Tấn Yên, bị liệt chân từ nhỏ bởi một cơn sốt cao, thi đấu môn đua xe lăn. Khi được hỏi kết quả thi đấu chung cuộc thế nào, anh trả lời: "tôi cũng chưa rõ nữa, nhưng tôi đã thi đấu hết sức mình nên cũng mãn nguyện lắm rồi."

Vận động viên Phan Văn Dũng vui mừng về đích trong môn đua xe lăn, giành giải nhì chung cuộc toàn Hội thao trong nội dung này. Anh chịu ảnh hưởng trong chiến tranh chống Mỹ, bị một mảnh bom ghim vào đầu dẫn đến sốt cao rồi bị teo chân.
DUY MINH