Tuesday 19 November 2013

Hội thao xóa nhòa những nỗi đau

Có người là thương binh từng để lại một phần xương thịt ở chiến trường Campuchia, có người chịu ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, người không may bị tai nạn trong lao động, người thì bẩm sinh đã khuyết tật, nhưng tất cả họ đều hòa chung một niềm vui với thể thao.

Đó là không khí của "Hội thao người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần I, năm 2012" diễn ra tại Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Bình Phước (thị xã Đồng Xoài) trong ngày 2 và 3/8, dành cho các đối tượng là thương binh và người khuyết tật bẩm sinh (hoặc do tai nạn).

Hội thao đã thu hút 109 vận động viên, trong đó có 4 nữ, đến từ 7 huyện và 3 thị xã của tỉnh Bình Phước tham gia thi đấu các bộ môn Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Điền kinh, Đua xe lăn, xe lắc.

Nhìn những gương mặt hăng hái, những nổ lực thi đấu hết mình, những niềm vui dù thắng hay thua, những vận động viên của Hội thao đã khẳng định một tinh thần rằng họ "tàn nhưng không phế".


Tham gia tổ chức hội thao có sự phối hợp của các đơn vị thuộc tỉnh Bình Phước gồm: Sở VH, TT&DL, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo, Đài phát thanh và truyền hình.

Những ngày cận Hội thao, Thương binh Nguyễn Minh Ty (nhà ở phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài) sáng nào cũng tập luyện môn Cầu lông để chuẩn bị tham gia thi đấu. Người lính này đã để lại 2/4 chân trái của mình ở chiến trường Campuchia năm 1986.

Vận động viên Phạm Xuân Lực (đến từ huyện Đồng Phú) thi đấu môn Cầu lông. Anh bị tai nạn lao động do làm việc với máy tuốt lúa (cụt tay trái) năm 1996.

Thương binh Mai Quốc Huy (thị xã Bình Long), bị cụt chân trái năm 1985 ở mặt trận phía Bắc, thi đấu môn Cầu lông.


Anh Lê Tuấn, con của liệt sĩ Lê Khanh (hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1966) bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, liệt nửa người bên trái. Anh đã phải đi chạy thận lúc 4 giờ sáng trước khi tham gia hội thao, thi đấu môn cờ tướng lúc 8h30 ngày 2/8. Trong hình trên là vợ của anh đi cùng chăm sóc cho chồng.

 Vận động viên Trần Hoài Ngọc (huyện Bù Đăng), bị liệt chân phải (khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ), thi đấu môn bóng bàn và đã đoạt giải nhất chung cuộc toàn Hội thao.

Thí sinh nhỏ tuổi nhất của hội thao, Trần Ái Hải Sơn (14 tuổi, nhà ở huyện Bù Đốp) cùng mẹ đến thi môn cờ tướng và đạt giải khuyến khích. Em chịu ảnh hưởng bởi gia đình từng sống trong vùng chiến tranh. Hiện gia đình vẫn chưa xác định rõ bệnh tật.

Các vận động viên nữ hiếm hoi của Hội thao thi đấu môn Điền kinh.

Vận động viên Trần Thanh Bình, anh cụt tay do từng bị tai nạn giao thông, vui mừng cán đích trong môn Điền kinh.

Vận động viên Nguyễn Tấn Yên, bị liệt chân từ nhỏ bởi một cơn sốt cao, thi đấu môn đua xe lăn. Khi được hỏi kết quả thi đấu chung cuộc thế nào, anh trả lời: "tôi cũng chưa rõ nữa, nhưng tôi đã thi đấu hết sức mình nên cũng mãn nguyện lắm rồi."

Vận động viên Phan Văn Dũng vui mừng về đích trong môn đua xe lăn, giành giải nhì chung cuộc toàn Hội thao trong nội dung này. Anh chịu ảnh hưởng trong chiến tranh chống Mỹ, bị một mảnh bom ghim vào đầu dẫn đến sốt cao rồi bị teo chân.
DUY MINH 

No comments:

Post a Comment