Saturday 23 November 2013

Đồi Bằng Lăng – vùng quê chưa thức giấc

Chỉ cách trung tâm xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai khoảng 16km nhưng hơn 20 năm qua, những người dân sống trên Đồi Bằng Lăng phải sạc từng kí điện, trữ vào bình để sử dụng dần.

Hộ khẩu, đường, trạm… đều không
Nằm trong vùng đất thuộc vành đai Trường bắn quốc gia khu vực 3 (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đồi Bằng Lăng gần như trở thành một nơi bị lãng quên bởi chính những cái “không” mà hơn 20 năm người dân nơi đây “được hưởng”: không đường, không điện, không trạm y tế, không hộ khẩu, không sổ đất…

Đến đồi Bằng Lăng vào những ngày mưa, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tầm 13-14 tuổi cắp sách đến trường với quần áo lấm lem bùn đất, đôi dép nhựa đã vàng ố vì lâu ngày bùn đất bết vào. Hỏi ra mới biết các em chỉ mới học lớp 3, lớp 4.

Hơn 20 năm, những đứa trẻ, những người cha người mẹ nơi này luôn mong mỏi có được ngôi trường để các em đi học được gần hơn. Trời không phụ lòng người, cuối năm 2010, một ngôi trường tiểu học khang trang với 2 lớp học và 1 phòng tạm trú cho ba Thầy giáo đã được xã Xuân Tâm xây dựng tại Bằng Lăng.
Cơn bão số 1 (tháng 4-2012) đã làm bay phần mái ngôi trường. Các thầy giáo cùng người dân phải dựng tạm lán để dạy học cho các em - Ảnh: Nguyễn Quang Bình 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thòn A Sìn, một phụ huynh học sinh tâm sự: “Trước đây, khi chưa có trường, chúng tui phải cho các cháu học với một Thầy giáo làng. Tới khi Nhà nước xây cho trường mới, tui và bà con nơi đây ai cũng mừng hết! Mừng vì các cháu không phải đi học xa, mừng vì ngôi trường khang trang, các Thầy tận tâm nên con trai tui học khá hẳn lên”. Ông Sìn còn kể thêm “hôm qua thằng con tui nó trốn học đi chơi một ngày, tui phải nghỉ làm để đi tìm nó về cho nó học. Không học hành thì tương lai nó sẽ chỉ quẩn quanh trên ngọn đồi Bằng Lăng này mà không đi đâu được”.

Ngôi trường được xây dựng lên cũng chính là một mầm sống mới cho đồi Bằng Lăng. Tháng 4-2012, cơn bão số 1 đi qua đã lấy đi phần mái lợp của trường, ba thầy giáo trẻ phải dựng lán để dạy tạm cho các em trong những ngày mưa bão, chờ đợi ngày trường được sửa chữa.

Người dân Bằng Lăng cho biết, ngọn đồi này thuộc vào đất của Trường bắn Quốc gia Khu vực III, chưa được chính thức sáp nhập vào xã Xuân Tâm (Xuân Lộc, Đồng Nai) nên người dân ở đây chưa được cấp hộ khẩu thường trú, chưa được cấp sổ đỏ đất đai, trẻ em chưa được làm giấy chứng minh nhân dân (CMND) để đi học. Ông Võ Văn Sen, đến Bằng Lăng làm rẫy đã hơn 20 năm, tâm sự nhà ông có đứa con gái năm nay đã lên lớp 7, nhưng do gia đình ông không còn hộ khẩu gốc ở quê cũ như người ta nên ông đang lo con gái ông sẽ không được cấp giấy CMND, và cũng không được học lên cấp 3. “Năm nào nó cũng có giấy khen, được khen thưởng học sinh giỏi, nhưng tui lo nó sẽ không được học lên cao. Nhà có điều kiện cho nó đi học nhưng cũng đành bó tay vì nhà trường yêu cầu phải có sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác”, ông Sen nói.
Chưa được xây dựng đường xá đàng hoàng, con đường vào Bằng Lăng chỉ là một đường mòn quanh co chạy dọc theo sườn đồi do người dân tự phát cỏ mà thành. Trời nắng thì còn đi được, trời mưa xuống là bùn đất nhão nhoét, trơn trợt, người mới đến Bằng Lăng không thể di chuyển được.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, một người dân định cư ở đây đã trên 10 năm, nói trước đây chưa có đường chạy xe, hình ảnh những người cha cõng con trên lưng lội bộ hàng mấy cây số đường đèo để đưa con đến trường là chuyện bình thường ở đồi Bằng Lăng này.

Thầy giáo Nguyễn Quang Bình (quê Nghệ An) cho biết, để di chuyển trong đồi Bằng Lăng bằng xe máy phải chuẩn bị đầy đủ xăng và dụng cụ sửa xe. Thầy kể, có hôm, trên đường đi dạy về, xe bị đứt xích, một thầy đã phải dắt xe hơn 3 tiếng đồng hồ đường đèo để đến được chỗ sửa xe.

Ngoài trời sáng hơn trong nhà
Chúng tôi đặt chân đến Bằng Lăng khi trời đã chập choạng tối. Ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ những gian nhà mà vách được dựng bằng những tấm tôn, tấm liếp được tận dụng từ liếp phơi thuốc lá.

“Trước đây khó khăn, Đồi Bằng Lăng ai cũng dùng đèn dầu. Vài năm gần đây, điều kiện kinh tế khá hơn, người dân dùng bình ăc quy để thắp sáng. Nhà nào khá hơn thì có máy phát điện, nhưng nhà nào cũng còn cái đèn dầu để dự trữ mỗi khi bình hết điện”, ông Sen cho biết.
Gia đình anh Giường Lục Mùi, người dân sống trên đồi Bằng Lăng đã hơn 10 năm trò chuyện quây quần dưới ánh đèn neon từ bình ăc quy - Ảnh: DUY MINH 

Thầy giáo Nguyễn Quang Bình kể lại: “Đêm đầu tiên đến đây tôi đã bật khóc. Tôi không ngờ là còn có một nơi chỉ cách trung tâm xã không bao xa mà lại chưa có điện, chưa có con đường đàng hoàng để đi, thậm chí không có cả trạm y tế để khám chữa bệnh. Nhìn cảnh các em học sinh bao nhiêu năm nay phải học tập dưới điều kiện khó khăn không trường, không điện, tôi thương các em lắm!”. Không thể sạc điện thoại, laptop, ánh sáng đèn neon dùng bình ăc quy không đủ sáng để soạn giáo án, cuối tuần nào các thầy giáo cũng đi mấy chục cây số ra xã chỉ để soạn giáo án và tìm kiếm thông tin, đọc báo.

Dòng điện chạy bằng bình ắc quy 12V chỉ đủ thắp bóng đèn neon 3 tấc. Thú giải trí của người dân nơi đây chính là cái tivi trắng đen thời kỳ đầu. Đối với người dân Bằng Lăng, cái quý nhất đối với họ chính là cái bình ăc quy và cái tivi trắng đen ấy.
Chưa có đường dây điện, bình ắc quy và chiếc tivi trắng đen trở thành thứ quý giá nhất với người dân trên đồi Bằng Lăng - Ảnh: NHƯ HÀ 

Ông Hoàng Thím Vò, vốn là người Tày vào Bằng Lăng sinh sống đã hơn 20 năm. Ở cái tuổi 64, mắt đã kèm nhèm không nhìn rõ được nhưng lúc nào ông cũng thích ngồi bên cái tivi trắng đen để nghe thời sự, nghe chương trình truyền hình, đặc biệt là nhạc của người Tày. Gia đình ông cho biết, từ hôm cơn bão số 1 (đầu tháng 4-2012) làm gãy cái ăng-ten, ông ngồi buồn vì không còn nghe được thời sự và chương trình tivi. Đứa con trai thấy vậy mua cho chiếc đầu đĩa và mấy cái đĩa nhạc Tày, những tiếng nhạc quê hương lại trở thành thú vui của ông và gia đình sau mỗi bữa cơm chiều. Ông Vò nói không rõ tiếng Việt, vừa háo hức khoe chiếc ti vi đã cũ mèm, vừa mở nhạc cho chúng tôi nghe thử “Cái ti vi này lâu lắm rồi! May là cái tivi nhà tui chưa bị hư nên vẫn còn nghe được, nhiều nhà tivi hư là xem như bỏ vì không có phụ tùng thay thế, đem ra thợ sửa người ta cũng lắc đầu không chịu sửa.”. Ông còn nói “Nếu ai mua dù giá cao tui cũng không bán!”.
Ông Hoàng Thím Vò bên chiếc tivi trắng đen đã cũ của mình - Ảnh: DUY MINH 

Luôn phải ngồi học trong ánh đèn yếu ớt, không đủ ánh sáng, những đứa trẻ nơi đây vẫn ngày ngày cặm cụi tới trường. Nói về niềm ao ước của mình, cậu bé Phạm Bằng Soi trả lời với đôi mắt nhìn xa xăm “Con chỉ ước nếu trúng được 1 tờ vé số, con sẽ xây nhà ra nơi có điện sáng hơn”. Chị Thấy, mẹ của Soi tâm sự: “Những đêm trăng sáng như thế này, ngoài trời còn sáng hơn cả trong nhà nữa! Tui là người lớn thì thế nào cũng được, chứ mấy đứa nhỏ còn cả tương lai. Không lẽ cứ để tụi nó sống tăm tối thế này mãi!”.
Thiếu thốn, khó khăn là thế, nhưng tiếng cười trên đồi Bằng Lăng vẫn chưa bao giờ tắt để chờ đợi một ngày vùng quê thức giấc.

Ông Đỗ Thế Thọ, chủ tịch UBND xã Xuân Tâm cho biết: “Trước đây đồi Bằng Lăng thuộc vào vành đai Trường bắn quốc gia khu vực III của Bộ Quốc Phòng. Hiện tại chỉ mới cắm một số ranh mốc bàn giao cho địa phương quản lý một số diện tích chứ chưa được xem là đất của xã Xuân Tâm quản lý. Do đó công tác xây dựng, quy hoạch khu dân cư, điện, đường, trạm xá… chưa thể thực hiện được. Người dân sinh sống ở Bằng Lăng hiện giờ chủ yếu là dân tạm trú, chưa có sổ hộ khẩu.



Năm 2011, xã Xuân Tâm đã làm việc với Trường bắn để xây dựng một ngôi trường cho con em có nơi học hành trên đồi Bằng Lăng. Về lâu dài, sau khi có quyết định phê duyệt của Chính phủ và Bộ quốc phòng về việc giao đất thuộc Bằng Lăng cho địa phương quản lý, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng hệ thống điện, đường, trạm, và làm các thủ túc giấy tờ cho người dân”.
NHƯ HÀ – DUY MINH

No comments:

Post a Comment